Giá vàng thế giới biến động dữ dội, lập đỉnh 3.500
USD/ounce rồi lao dốc: Thị trường sẽ ra sao?
Biến động chưa từng có
Trong tuần giao dịch từ 21–25/4, giá vàng thế giới chứng kiến những biến động mạnh mẽ chưa từng có. Giá vàng giao ngay trên thị trường Mỹ ngày 22/4 đã vọt lên mức kỷ lục 3.500 USD/ounce (hơn 111 triệu đồng/lượng) khi đồng USD rơi xuống mức thấp nhất trong ba năm. Trong nước, giá vàng miếng SJC có thời điểm chạm mốc 124 triệu đồng/lượng.
Dòng tiền ào ạt đổ vào vàng như một kênh trú ẩn an toàn giữa bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ–Trung leo thang. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/4 đã áp mức thuế 145% lên hàng hóa Trung Quốc và đe dọa tăng tiếp lên 245%, đồng thời đưa ra nhiều tuyên bố cứng rắn với Bắc Kinh và chỉ trích Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell.
Tuy nhiên, sau cú tăng sốc, giá vàng nhanh chóng quay đầu giảm mạnh. Trong phiên 24/4, vàng lao dốc còn 3.270 USD/ounce, mất hơn 6,6% so với đỉnh sau khi Mỹ–Trung phát tín hiệu hạ nhiệt căng thẳng và ông Trump tuyên bố không có ý định sa thải Chủ tịch Fed.
Đà phục hồi sau đó cũng không bền vững. Dù có lúc giá vàng bật lên 3.360 USD/ounce nhờ lực mua mới từ các ngân hàng trung ương, nhưng đến 21h ngày 25/4 (giờ Việt Nam), vàng giao ngay lại rớt về 3.270 USD/ounce sau tin ông Trump điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Giá vàng đã xuất hiện dấu hiệu 'quá mua'
Triển vọng giá vàng trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ–Trung, căng thẳng địa chính trị tại Ukraine và Trung Đông, chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương cũng như sức mạnh của đồng USD.
Theo Công ty Chứng khoán TD Securities, hiện tượng “quá mua” đã xuất hiện trên thị trường vàng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia Kitco, đà tăng của vàng vẫn còn dư địa khi vàng chưa thực sự được nắm giữ rộng rãi bởi giới đầu tư toàn cầu. Lực mua từ các tổ chức tài chính và ngân hàng trung ương được dự báo sẽ tiếp tục hỗ trợ giá.
Ông Bart Melek, Trưởng phòng Chiến lược Hàng hóa tại TD Securities, nhận định rằng mặc dù hiện tại giá vàng đang chịu áp lực điều chỉnh kỹ thuật sau khi vượt ngưỡng 3.400 USD/ounce, nhưng bối cảnh vĩ mô dài hạn vẫn ủng hộ xu hướng tăng. Ông cũng lưu ý rằng, nếu tính theo lạm phát, đỉnh vàng trong những năm 1970 tương đương mức 3.544 USD/ounce ngày nay, cao hơn đỉnh mới lập gần đây.
Tuy nhiên, ông Melek cũng cảnh báo rằng sau mức tăng hơn 25% từ đầu năm tới nay, thị trường có thể chứng kiến những đợt điều chỉnh ngắn hạn, với ngưỡng hỗ trợ quan trọng cần theo dõi là 3.100 USD/ounce.
Cùng quan điểm tích cực, ông Ryan McIntyre từ Công ty Sprott nhận định vàng vẫn còn nhiều dư địa tăng giá trong dài hạn, nhấn mạnh rằng bất ổn tài chính và sự xói mòn niềm tin vào hệ thống tài chính Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu đối với vàng như một kênh trú ẩn.
McIntyre cũng cảnh báo rằng, dù đồng USD chưa mất ngay vai trò tiền tệ dự trữ toàn cầu, nhưng xu hướng giảm niềm tin và nhu cầu nắm giữ USD đang dần rõ rệt, thúc đẩy các quốc gia gia tăng dự trữ vàng.
Triển vọng giá vàng: Hướng tới 4.000 USD/ounce?
Giới phân tích cho rằng, nếu căng thẳng thương mại Mỹ–Trung tiếp tục leo thang, đặc biệt là các đòn thuế quan mới nhằm vào các lĩnh vực then chốt, giá vàng có thể tái lập mức 3.500 USD/ounce, thậm chí hướng tới 3.600 USD vào giữa năm 2025.
Ngân hàng JPMorgan thậm chí đưa ra dự báo đầy tham vọng rằng giá vàng có thể lên tới 4.000 USD/ounce trong năm 2026.
Ngược lại, nếu Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận ngoại giao đột phá, hoặc nếu xung đột tại Ukraine và Trung Đông hạ nhiệt, giá vàng có thể bị kìm hãm, quay về vùng 3.200 USD hoặc thấp hơn.
Dù vậy, theo nhiều chuyên gia, mức sụt giảm – nếu có – sẽ không quá sâu do nhu cầu tích lũy vàng của ngân hàng trung ương và các tổ chức lớn vẫn rất mạnh.