Bhutan hướng tới tiền điện tử 'xanh' từ thủy điện để phát triển kinh tế và giảm chảy máu chất xám
Bhutan – quốc gia nhỏ nằm giữa dãy Himalaya – đang nỗ lực khai thác tiềm năng từ tiền điện tử “xanh” sử dụng năng lượng thủy điện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm, trong bối cảnh tình trạng chảy máu chất xám ngày càng nghiêm trọng.
Tiền điện tử “xanh” là loại tài sản kỹ thuật số được khai thác thông qua các nguồn năng lượng tái tạo như gió, thủy điện hoặc năng lượng mặt trời, thay vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm.
Bhutan, quốc gia nằm giữa hai cường quốc kinh tế là Ấn Độ và Trung Quốc, đã đầu tư hàng triệu USD vào các loại tiền điện tử phổ biến trong những năm gần đây. Một phần lợi nhuận từ hoạt động này thậm chí đã được sử dụng để chi trả lương cho chính phủ trong suốt hai năm, theo chia sẻ từ các quan chức cấp cao tại Thimphu.
Ông Ujjwal Deep Dahal – Tổng giám đốc quỹ đầu tư quốc gia Druk Holding and Investments Ltd., đơn vị kiểm soát công ty phát điện duy nhất của Bhutan – cho biết: “Bhutan là quốc gia vận hành hoàn toàn bằng năng lượng thủy điện. Vì vậy, mỗi đồng tiền điện tử được khai thác tại Bhutan sẽ thay thế cho một đồng được khai thác bằng nhiên liệu hóa thạch, đóng góp trực tiếp vào nền kinh tế xanh”.
Dahal nhấn mạnh rằng Bhutan đã bắt đầu bổ sung tiền điện tử vào danh mục đầu tư từ năm 2019 như một bước đi chiến lược, và ông coi đây là "bước ngoặt" trong hành trình phát triển của đất nước.
Quốc gia hơn 800.000 dân này nổi tiếng với Chỉ số Hạnh phúc Quốc gia (GNH) – một thước đo kinh tế độc đáo bao gồm các yếu tố như sức khỏe tinh thần, giải trí và tính bền vững, thay vì chỉ dựa vào GDP.
Hoạt động khai thác tiền điện tử tại Bhutan sử dụng năng lượng thủy điện để vận hành các siêu máy tính tiêu tốn điện năng cao, qua đó tạo ra tài sản kỹ thuật số để lưu trữ trên blockchain.
Chính phủ Bhutan hiện cũng đang nghiên cứu khả năng các tập đoàn lớn có thể mua đồng tiền “xanh” của quốc gia này để đáp ứng các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị).
Dahal chia sẻ thêm: “Bitcoin không chỉ giúp nâng cao giá trị cho năng lượng thủy điện mà còn góp phần cải thiện khả năng thanh khoản ngoại tệ của Bhutan”. Đồng thời, ông kỳ vọng việc đào tạo lực lượng lao động trẻ về công nghệ blockchain và AI sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm mới.
Bhutan hiện đang đối mặt với tình trạng di cư đáng báo động ở tầng lớp trẻ có học thức. Theo thống kê của chính phủ, hơn 10% thanh niên đã rời khỏi đất nước trong giai đoạn 2022–2023, kéo tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm tuổi này lên đến 16,5% vào năm 2024.
Tham vọng trở thành trung tâm tiền điện tử “xanh” của Bhutan sẽ phụ thuộc lớn vào khả năng mở rộng sản lượng thủy điện. Dù hiện tại chỉ có công suất khoảng 3,5 gigawatt, Bhutan đang đặt mục tiêu tăng sản lượng lên 15 gigawatt trong vòng 10–15 năm tới, và hướng đến tiềm năng tối đa là 33 gigawatt.