Giá dầu giảm sâu gây áp lực tài chính lên Ả Rập Xê Út, chương trình Tầm nhìn 2030 đối mặt nhiều thách thức
Ả Rập Xê Út – nền kinh tế phụ thuộc lớn vào dầu mỏ – đang đối diện với bài toán khó khi giá dầu thế giới lao dốc, gây áp lực lớn lên ngân sách và buộc chính quyền phải tính đến phương án tăng vay nợ hoặc cắt giảm chi tiêu công. Đây là trở ngại lớn đối với các kế hoạch tái cấu trúc kinh tế mang tính bước ngoặt trong khuôn khổ chương trình "Tầm nhìn 2030".
Trong bối cảnh lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lan rộng và quyết định bất ngờ của OPEC+ về việc tăng sản lượng, giá dầu Brent đã rơi xuống dưới mốc 65 USD/thùng – mức thấp nhất trong gần 4 năm. Điều này đe dọa “thổi bay” hàng chục tỷ USD doanh thu ngân sách của Riyadh, khi dầu mỏ hiện vẫn chiếm khoảng 62% thu ngân sách quốc gia.
Tập đoàn năng lượng quốc doanh Saudi Aramco cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề. Theo Reuters, Aramco dự kiến sẽ cắt giảm cổ tức trong năm nay khoảng 1/3, khiến chính phủ và Quỹ đầu tư công (PIF) mất đi tổng cộng khoảng 38 tỷ USD thu nhập. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn tài trợ cho các đại dự án cơ sở hạ tầng và các sáng kiến đa dạng hóa kinh tế thuộc Tầm nhìn 2030.
Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Saudi Arabia cần giá dầu ở mức trên 90 USD/thùng để cân bằng ngân sách. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, ngân sách nước này đã ghi nhận thâm hụt kép trong năm 2024, buộc Riyadh phải đẩy mạnh vay nợ. Dữ liệu chính thức cho thấy nợ công đã tăng 16% lên hơn 324 tỷ USD, và các nhà phân tích dự báo mức nợ có thể tăng thêm 100 tỷ USD trong ba năm tới.
PIF – quỹ tài sản quốc gia trị giá 925 tỷ USD – đang đóng vai trò chủ đạo trong chiến lược phát triển dài hạn, đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực phi dầu mỏ như bất động sản, công nghệ và du lịch. Tuy nhiên, quỹ này cũng phải dựa phần lớn vào nguồn lực từ Aramco và trái phiếu. Trong năm nay, PIF đã huy động được 11 tỷ USD qua phát hành trái phiếu và dự kiến tăng quy mô đầu tư hàng năm lên 70 tỷ USD trong giai đoạn 2025-2030.
Các dự án lớn như thành phố tương lai NEOM, Thế vận hội mùa đông châu Á 2029 hay World Cup 2034 với 11 sân vận động mới đang đặt ra những thách thức tài chính khổng lồ, buộc chính phủ phải “hiệu chỉnh lại và ưu tiên hóa” kế hoạch đầu tư, theo người phát ngôn Bộ Tài chính.
Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng Riyadh vẫn có khả năng xoay sở. Neil Quilliam – chuyên gia tại Chatham House – cho biết chính phủ Saudi có thể xem những rủi ro ngắn hạn từ giá dầu thấp là “cái giá phải trả” cho những lợi ích dài hạn của việc cải cách. Quốc gia này hiện vẫn duy trì tỷ lệ nợ công trên GDP ở mức thấp và tiếp tục được thị trường tín dụng quốc tế đánh giá cao.
Tháng trước, S&P Global đã nâng xếp hạng tín dụng của Ả Rập Xê Út từ A lên A+, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vẫn được duy trì, dù tổ chức này cảnh báo rằng giá dầu giảm và vay nợ quá mức có thể là những yếu tố khiến xếp hạng bị điều chỉnh giảm trong tương lai.