English en Chinese zh Thai th Indonesian id Malay ms Khmer km Burmese my Tiếng Việt vi

Chứng Khoán

Doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc hoang mang: Hủy đơn hàng, đình chỉ vận chuyển do thuế quan của Trump

Giữa lúc Mỹ áp thuế ngày càng mạnh tay hơn, nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc đang phải đối mặt với những quyết định khó khăn chưa từng có. Họ đang phải từ bỏ hàng hóa đang trên đường vận chuyển và giao nộp container cho các công ty vận tải biển để tránh khoản thuế quan "nghẹt thở" từ chính quyền Trump.



Trong giới kinh doanh xuất khẩu Trung Quốc, thời kỳ hiện tại được ví như "giai đoạn chuẩn bị cho Cuộc Trường Chinh" – một phép ẩn dụ đầy u ám cho viễn cảnh suy thoái thương mại xuyên Thái Bình Dương kéo dài và đầy thử thách.

“Mỗi container chúng tôi vận chuyển hiện tại đang lỗ nhiều hơn cả lợi nhuận từ hai container trước đây,” một nhân viên giấu tên thuộc một công ty xuất khẩu niêm yết của Trung Quốc chia sẻ. “Trong tình hình như vậy, ai có thể tiếp tục kinh doanh?”

Tình trạng của công ty này không phải cá biệt, mà là bức tranh chung đáng lo ngại cho toàn ngành xuất khẩu Trung Quốc. Một nhân viên khác tiết lộ: từ mức trung bình 40-50 container/ngày xuất sang Mỹ, nay họ chỉ còn lại vỏn vẹn 3-6 container/ngày. Nguyên nhân chính là mức thuế suất mới lên tới 125% do chính quyền Trump đề xuất và đang chuẩn bị áp dụng.

Không dừng lại ở việc cắt giảm đơn hàng, nhiều công ty xuất khẩu Trung Quốc đã buộc phải đưa ra các quyết định khẩn cấp hơn.

“Chúng tôi đã dừng toàn bộ kế hoạch vận chuyển từ Philippines, Việt Nam, Indonesia và Malaysia,” người này nói thêm. “Tất cả các đơn hàng từ nhà máy đều bị hủy. Hàng hóa chưa lên tàu thì bị ngừng, còn hàng đang trên biển thì được rà soát lại chi phí.”

Thậm chí, một số khách hàng đã chủ động từ bỏ lô hàng đang trên đường vận chuyển và giao lại cho các hãng tàu, chỉ vì “không còn ai mua chúng nữa sau khi thuế quan được áp dụng.”

Tình hình nghiêm trọng đến mức ban lãnh đạo công ty đã buộc phải quay lại Trung Quốc để xử lý khủng hoảng đơn hàng bị hủy. Họ đã chỉ đạo tạm dừng toàn bộ hoạt động kinh doanh cho đến khi có tín hiệu ổn định hơn về mặt thuế quan hoặc tìm được thị trường thay thế.

“Chúng tôi đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất. Không kỳ vọng bất kỳ sự phục hồi nào trong ngắn hạn – có thể là đến giữa năm sau,” nhân viên nói với giọng lo lắng.

Trong bối cảnh khó khăn đó, công ty buộc phải chuyển hướng sang các thị trường ít rủi ro hơn như châu Âu và Nhật Bản, tìm kiếm “vùng biển an toàn” trong cơn bão thương mại Mỹ-Trung.

Số liệu cho thấy tầm quan trọng của thương mại Mỹ-Trung: Trung Quốc là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới và cũng là nguồn hàng nhập khẩu lớn thứ hai của Mỹ với giá trị lên tới 439 tỷ USD vào năm ngoái. Ngược lại, Mỹ chỉ xuất khẩu 144 tỷ USD hàng hóa sang Trung Quốc.

Cuộc chiến thuế quan đang tạo ra hiệu ứng domino trong toàn chuỗi cung ứng. Người mua Mỹ lo ngại chi phí tăng cao đã dần rút khỏi đơn hàng, gây nên tình trạng hủy tới 300 container mỗi ngày đối với một số nhà sản xuất lớn.

Không chỉ mất đơn hàng, các nhà máy Trung Quốc còn phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm giờ làm và giảm số ca của công nhân. Tại chi nhánh Mỹ của một công ty xuất khẩu lớn, quá trình cắt giảm nhân sự tuyến đầu đã bắt đầu khi nhu cầu rơi tự do.

Các chuyên gia cảnh báo rằng các doanh nghiệp xuất khẩu đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan: Nếu vận chuyển ngay, họ sẽ phải gánh mức thuế cao nếu không được miễn giảm, còn nếu chờ đợi, họ có thể đối mặt với mức thuế thậm chí cao hơn nếu căng thẳng tiếp tục leo thang.